Nếu chưa viết CV bao giờ, chắc hẳn mọi người sẽ có nhiều băn khoăn về việc nên viết gì, sắp xếp thứ tự ra sao. Ngoài ra, nếu chưa có kinh nghiệm đi làm thì nên viết gì vào trong đó. Để giải đáp những câu hỏi trên, các bạn cứ làm đúng các bước bên dưới đây nhé, đảm bảo xong xuôi sẽ có một bản CV ổn để bắt đầu nộp cho các nơi.
Khi đi tìm việc, CV là thứ đầu tiên giúp kết nối nhà tuyển dụng và các bạn (trừ khi bạn là một bạn trả quá giỏi và nổi tiếng khiến nhà tuyển dụng muốn săn lùng mà không cần hồ sơ gì).
Chính vì đây là thứ đầu tiên kết nối giữa hai bên, nên phải làm sao để gây đủ ấn tượng cần thiết giúp bạn vào được những vòng sau, thường sẽ là vòng phỏng vấn.
____________________
CÁC THÔNG TIN CƠ BẢN TRONG CV:
1/ Tên & Thông tin cá nhân
– Ở trên cùng và thường to nhất tờ giấy là tên của bạn, đi cùng với thông tin liên lạc để nhà tuyển dụng có thể liên lạc khi cần là số điện thoại và email. Khuyến khích các bạn bổ sung thêm LinkedIn – là một trang mạng xã hội giống Facebook vào phần thông tin cá nhân (không nên để Facebook), có thêm cái này sẽ giúp cho hồ sơ của bạn thêm phần chuyên nghiệp.
– Email thì nên đơn giản và chuyên nghiệp. về cơ bản là têncủabạn@gmail.com. Hạn chế dùng các nền tảng email khác vì Gmail hiện tại đang là thông dụng nhất. Không nên sử dụng các biệt danh hay các ngôn từ kỳ lạ nào đó trong tên email. Một số bạn có thói quen sử dụng email nhà trường để tìm việc, cũng không nên luôn.
2/ Tóm tắt CV (Mục tiêu nghề nghiệp)
– Nếu các bạn xem một số mẫu CV sẽ thấy phần Mục tiêu nghề nghiệp ở đầu CV. Nếu các bạn chưa rõ mục tiêu nghề nghiệp của mình là gì, chỉ định ghi chung chung là “ muốn tìm một môi trường chuyên nghiệp năng động…” thì không nên có phần Mục tiêu nghề nghiệp này ở trong CV.
– Thay vào đó, bạn có thể có một mục là Tóm tắt. Đúng chức năng của Tóm tắt, trong vòng 3 dòng trở xuống, hãy nói về những điểm nổi bật của bạn. Ví dụ bạn có học bổng toàn phần của trường, em có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa, em được đi trao đổi sinh viên nước ngoài, hãy ghi hết vào.
3/ Học vấn
– Ở nước ngoài có thể bắt đầu ghi từ trường cấp 3 – tuy nhiên ở Việt Nam thông tin trường cấp 3 không giúp ích gì nhiều cho việc làm nổi bật hồ sơ của bạn nên bạn có thể bắt đầu ghi vào bằng cấp trường đại học mình đang học. Ngoài ra bạn có học thêm khóa học ngắn hạn nào (cả online lẫn offline) đều có thể ghi vào. Khi ghi hãy ghi rõ tên khóa học, tên đơn vị đào tạo, thời gian đào tạo và dẫn kèm link của chương trình nếu có trên mạng vào nhé.
4/ Kinh nghiệm làm việc
– Một nhà tuyển dụng thông thường sẽ nhìn vào khoản này đầu tiên khi mở CV ra. Tuy nhiên nếu bạn đang đi tìm công việc đầu tiên, nghĩa là bạn chưa đi làm bao giờ, vậy phải ghi kinh nghiệm làm việc như thế nào đây nhỉ? Hãy nhớ là, công việc không phải là thứ duy nhất được tính là kinh nghiệm. Kinh nghiệm là bất kỳ việc gì bạn đã làm giúp bạn có được kiến thức và kỹ năng phục vụ cho công việc mà bạn đang nộp. Chính vì vậy, kinh nghiệm có thể đến từ những công việc tình nguyện, dự án mà bạn không được trả tiền.
– Trong kinh nghiệm, bạn có thể ghi: công việc bán thời gian, tình nguyện, tham gia các hoạt động ở trường, thực tập, các dự án trong lớp học hoặc bất kỳ dự án cá nhân nào mà bạn thấy có liên quan đến công việc mà bạn đang nộp.
– Một điều rất quan trọng khi viết kinh nghiệm làm việc là viết số liệu kết quả công việc em đã làm. Rất nhiều bạn bị mắc lỗi liệt kê, tức là chỉ liệt kê các đầu việc mà không ghi kết quả công việc đó. Nếu bạn tổ chức sự kiện, sự kiện đó có bao nhiêu người? Nếu bạn quản lý trang Facebook, trang đó có bao nhiêu thành viên? Mỗi một gạch đầu dòng cần có số liệu cụ thể.
5/ Kỹ năng
– Một phần khác bạn có thể viết trong CV là kỹ năng – nên viết ngắn gọn dưới dạn gạch đầu dòng. Kỹ năng bao gồm nhiều loại như:
Các kỹ năng cứng: quản lý dự án, tổ chức sự kiện, thiết kế, chăm sóc khách hàng, quản lý tài chính, vân vân – tùy thuộc vào lĩnh vực bạn đã học và kinh nghiệm bạn đã trải qua mà có thể có các kỹ năng khác nhau.
Kỹ năng mềm mà nghề nào cũng cần như Lãnh đạo, Giao tiếp, Làm việc nhóm, Thuyết phục, vân vân.
– Ngoài hai nhóm kỹ năng trên, bạn có thể ghi vào các phần mềm mà bạn biết cùng với các ngôn ngữ mà bạn có thể sử dụng được.
*** Cách để trình bày CV
Nhà tuyển dụng có rất nhiều CV để đọc, vì vậy bạn cần trình bày CV sao cho gọn gàng và đủ ấn tượng để họ có thể lướt nhanh. Một số bí kíp thế này:
1/ Không Nên Dài Quá 2 Trang
– Một trang là hoàn hảo nhưng nếu bạn có nhiều thứ để viết thì 2 trang cũng không sao, đừng dài quá 2 trang là được.
2/ Không Nên Thiết Kế Quá Màu Mè
– Một bản CV tốt là một bản CV chỉn chu, dễ đọc, chứ không phải một bản CV quá nhiều màu. Bạn hãy dùng duy nhất một loại gạch đầu dòng trong CV, các đầu mục văn bản và chữ nên dùng trong một font chữ và đồng bộ trong định dạng (in đậm, in nghiêng, kích cỡ). Khi viết xong trên file Word bạn cũng nên lưu thành PDF để không bị lỗi định dạng trước khi gửi nhé.
Cre: Anhtuanle